Do công việc, mỗi tháng vài lần tôi có dịp ra vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường ĐH đầu tiên của Việt Nam. Tạm thời, xin phép chưa đề cập tới việc xả rác bừa bãi hay viết, vẽ bậy bạ lên tường - những điều có thể xảy ra ở bất cứ di tích văn hóa - lịch sử nào. Tôi chỉ nói tới thói quen “xoa đầu” những rùa đá tại 82 tấm bia cổ - một thói quen không rõ có phải là do lòng “yêu” Văn Miếu một cách thái quá của những du khách tới đây không?

Xoa đầu rùa ở Văn Miếu
Dịp Tết vừa rồi, thậm chí tôi đã chứng kiến cảnh ban bảo vệ di tích Văn Miếu phải dựng hàng rào quanh rùa đá để tránh việc du khách tiếp cận quá gần. Cách bảo vệ bất đắc dĩ như vậy hẳn khiến nhiều du khách muốn xem bia một cách “nghiêm chỉnh” phải thở dài.
Thậm chí, vào mùa thi, tôi thấy có khá nhiều sinh viên tình nguyện của các trường ĐH tới trông nom và nhắc nhở những sĩ tử vào Văn Miếu để cầu may. Vậy mà những sĩ tử này cũng có mẹo riêng. Họ vờ lại gần rùa, lấy mấy đồng tiền lẻ đặt xuống đất rồi lại nhặt lên để lấy may, trong lúc đó tranh thủ ... xoa trộm vào đầu rùa một cái. Hỏi chuyện, được biết số nhân viên bảo vệ tại Văn Miếu cũng chỉ có 20 người và phải rải đều ra khắp khu vực Văn Miếu với 3 ca trực mỗi ngày. Do đó, đều đặn, Văn Miếu mỗi ngày đều tiếp tục bị xâm phạm một cách “phàm tục”.
Trở thành Di sản tư liệu thế giới, được dư luận chú ý, hy vọng nhận thức vế việc giữ gìn 82 bia tiến sĩ nói riêng và Văn Miếu nói chung sẽ được nâng cao đối với mỗi người. Để rồi, vào mỗi kì thi, khách tới Văn Miếu không còn phải chứng kiến cảnh phải “giăng dây bảo vệ” ở 82 tấm bia đá nữa. Vì “xoa đầu rùa” không chỉ vô lễ, mà còn chính là “xâm hại” di sản đấy!