Văn hóa pháp quyền - Hành trình thắp lửa khát vọng một Việt Nam hùng cường và nhân văn
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sắp khai mạc giữa lúc đất nước tràn đầy khí thế kỷ niệm 50 năm thống nhất, mang theo niềm kỳ vọng lớn lao về những đột phá thể chế cho kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh ấy, Nghị quyết 66-NQ/TW - được Tổng Bí thư Tô Lâm gọi là "một nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng với nhiều quyết sách chiến lược" - không chỉ đặt ra yêu cầu đổi mới công tác lập pháp, hành pháp, mà còn khẳng định: xây dựng văn hóa pháp quyền chính là nền tảng tinh thần, là "chất keo" gắn kết xã hội, là động lực bền vững để Việt Nam vươn tới khát vọng thịnh vượng, nhân văn.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong bài viết Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình: "Thể chế, pháp luật có chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công của mỗi quốc gia", và chính điều ấy sẽ đưa đất nước "vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, phát triển".
Tổng Bí thư Tô Lâm. Ảnh: TTXVN
Khi thượng tôn pháp luật trở thành giá trị sống, khi mỗi công dân là một "đại sứ văn hóa pháp quyền", Việt Nam sẽ tự tin sải bước ra biển lớn với hình ảnh một dân tộc năng động, hiện đại và đầy bản lĩnh.
Trong nhịp chuyển mình sôi động của đất nước, khi khắp mọi nẻo đường vừa rộn ràng kỷ niệm 50 năm thống nhất, khi những tấm pano cổ động rực rỡ điểm tô phố phường, khi những trái tim người Việt Nam cùng hướng về kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV với nhiều quyết sách mang tính cách mạng, đột phá, lòng người không khỏi dậy lên một niềm xúc động.
Ẩn sau những dòng tin thời sự, những bản dự thảo luật, những cuộc họp nghị trường sắp tới, là một khát vọng lớn lao: xây dựng một đất nước không chỉ giàu có về vật chất mà còn bền vững về văn hóa, nơi pháp luật trở thành một phần máu thịt của đời sống, nơi thượng tôn pháp luật là biểu hiện cao nhất của một xã hội văn minh.
Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình ra đời đúng lúc, như một ngọn lửa thôi thúc toàn xã hội nhìn lại mình, để cùng trả lời câu hỏi: làm sao để xây dựng một nền văn hóa pháp quyền đích thực? Làm sao để người Việt Nam không chỉ yêu nước, yêu đồng bào, mà còn yêu công lý, yêu sự công bằng, yêu những chuẩn mực ứng xử văn minh trong cộng đồng?
***
Bước vào một quán cà phê ở trung tâm Hà Nội những ngày này, chúng ta dễ bắt gặp câu chuyện bàn tán sôi nổi quanh những vấn đề của đời sống xã hội. Người ta nói về những vụ án đang được xét xử công khai, về việc xử lý cán bộ vi phạm, về những dự án luật chuẩn bị được trình ra Quốc hội… Điều ấy cho thấy pháp luật, từng được coi là lĩnh vực xa vời, khô khan, giờ đây đã bước vào những cuộc trò chuyện thường ngày, len lỏi vào đời sống, trở thành mối quan tâm thực chất của người dân.
Nhưng để pháp luật thực sự trở thành "hơi thở cuộc sống", để mỗi người dân đều coi việc tuân thủ pháp luật là niềm tự hào chứ không phải gánh nặng, cần một hành trình dài hơi, kiên trì, bền bỉ - một hành trình kiến tạo văn hóa pháp quyền.
Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 66 và bài viết của Tổng Bí thư đặt vấn đề xây dựng văn hóa pháp quyền lên hàng đầu. Bởi kinh nghiệm thế giới cho thấy, sự phát triển bền vững của một quốc gia không thể chỉ dựa vào tăng trưởng kinh tế, vào các chỉ số GDP, mà còn phụ thuộc vào chất lượng thể chế, vào mức độ thượng tôn pháp luật của xã hội.
Ở Nhật Bản, người dân sẵn sàng dừng lại ở đèn đỏ giữa đêm khuya dù không có bóng xe nào; ở Singapore, vứt rác bừa bãi hay hút thuốc nơi công cộng đều bị cộng đồng lên án, pháp luật xử lý nghiêm minh; ở Thụy Điển, Đan Mạch, người dân có thể tin cậy tuyệt đối vào các cơ quan công quyền khi giải quyết tranh chấp, khi đóng thuế, khi nhận phúc lợi xã hội… Những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy chính là nền tảng của một xã hội văn minh, nơi pháp luật không phải là "cây gậy" mà là "kim chỉ nam", nơi tuân thủ pháp luật trở thành một giá trị văn hóa.
Ở Việt Nam, đã có không ít chuyển động đáng khích lệ. Việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi đã thu hút hơn 12 triệu lượt đóng góp, trở thành một "sự kiện pháp luật" có sức lan tỏa hiếm thấy. Các phiên xét xử đại án vừa qua thu hút hàng triệu lượt theo dõi, cho thấy nhu cầu của xã hội được giám sát, được tham gia vào tiến trình thực thi công lý.
Mới đây, câu chuyện về những người nổi tiếng bị phạt vì quảng cáo sản phẩm giả, hay vụ một TikToker bị xử phạt vì livestream xúc phạm danh dự người khác, đã tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi về ý thức tuân thủ pháp luật trong giới trẻ. Đó là minh chứng cho tinh thần "dứt khoát nói "không" với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật" mà Tổng Bí thư đã viết. Tất cả những điều đó, dù còn khiêm tốn, đã gieo những mầm xanh hy vọng cho một nền văn hóa pháp quyền đang dần hình thành.
Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng, con đường phía trước vẫn còn dài. Vẫn còn đó những vụ xây dựng không phép, những cái bắt tay "bôi trơn" trong thủ tục hành chính, những vụ trốn thuế, buôn lậu, làm hàng giả, vi phạm bản quyền âm nhạc, điện ảnh. Vẫn còn đó những trường hợp người nổi tiếng phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, những trận bóng đá bị vẩn đục bởi bạo lực, những clip câu view bất chấp pháp luật. Đó là những vết xước cần thẳng thắn nhìn nhận, để từ đó cùng nhau khắc phục, chữa lành.
Trong bài viết, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra: "Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; còn những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng". Chính vì thế, Nghị quyết 66 xác định xây dựng văn hóa pháp quyền không chỉ là cải cách kỹ thuật, mà là một cuộc cách mạng tinh thần: tập trung "giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển".
Trên bình diện con người, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật". Khi chính những người giữ vị trí lãnh đạo nêu gương, khi người dân được đồng hành trong kiến tạo chính sách, niềm tin xã hội sẽ được củng cố.
Không dừng lại ở khung khổ quốc gia, Tổng Bí thư kêu gọi nâng cao năng lực hội nhập quốc tế: "Nâng cao năng lực các cơ quan Việt Nam để đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lý quốc tế, tham gia hiệu quả vào xây dựng thể chế quốc tế, định hình trật tự pháp lý quốc tế". Điều này đặt ra bài toán không nhỏ cho Việt Nam, đòi hỏi nâng cao chất lượng nhân lực pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn - những yếu tố mà Tổng Bí thư gọi là "đột phá".
Hướng tới các mục tiêu cụ thể, Tổng Bí thư nêu rõ lộ trình: năm 2025 tháo gỡ cơ bản các "điểm nghẽn"; năm 2027 hoàn thiện bộ máy chính quyền ba cấp; năm 2028 hoàn chỉnh hệ thống pháp luật đầu tư, kinh doanh, đưa Việt Nam vào nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN; đến 2045, xây dựng hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực quốc tế.
Muốn vậy, như Nghị quyết đã chỉ ra, trước hết phải bắt đầu từ giáo dục. Trong các trường học, giờ học pháp luật, kỹ năng sống cần được đổi mới sinh động, thực tiễn hơn, gắn với những tình huống cụ thể của đời sống. Trên sân cỏ, bên cạnh việc đào tạo kỹ thuật, thể lực, cần rèn luyện cầu thủ tinh thần fair-play, tôn trọng luật chơi, tôn trọng khán giả, tôn trọng đối thủ. Trên sân khấu nghệ thuật, ngoài khát vọng sáng tạo, nghệ sĩ cần ý thức về trách nhiệm xã hội, về chuẩn mực ứng xử, về giới hạn pháp luật trong phát ngôn, hành vi. Trong đời sống cộng đồng, cần khuyến khích các phong trào tự quản, tự giám sát, xây dựng lối sống văn minh, như những mô hình "phố không rác", "khu dân cư an toàn", "câu lạc bộ phòng chống bạo lực học đường" đã và đang nở rộ ở nhiều địa phương.
Đặc biệt, cơ quan nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương trong tuân thủ pháp luật. Một xã hội không thể mong chờ người dân chấp hành tốt nếu chính những người thực thi pháp luật lại thiếu gương mẫu. Khi một cán bộ giao thông nghiêm chỉnh chấp hành quy định, khi một lãnh đạo không can thiệp, xin xỏ cho người thân vi phạm, khi một cơ quan công quyền giải quyết công việc minh bạch, đúng hạn, đúng quy trình, thì lòng tin xã hội sẽ được bồi đắp, văn hóa pháp quyền sẽ có đất nảy mầm.
Không thể không nhắc đến vai trò của truyền thông, báo chí, nghệ thuật trong việc lan tỏa văn hóa pháp quyền. Một bộ phim như Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối không chỉ hấp dẫn ở cốt truyện lịch sử mà còn khéo léo gợi nhắc tinh thần kiên cường, ý thức kỷ luật của cha ông. Một ca khúc như Bắc Bling không chỉ là "hit" giải trí mà còn mang thông điệp tích cực về khát vọng vươn lên, về giấc mơ chạm tới những chuẩn mực quốc tế. Một phóng sự truyền hình phanh phui nạn buôn lậu, một bài báo điều tra chống tham nhũng, một chiến dịch truyền thông về an toàn giao thông… đều có sức mạnh góp phần hình thành thói quen, ý thức tôn trọng pháp luật trong xã hội.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, vai trò của công nghệ càng trở nên nổi bật. Các cổng dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử, chatbot pháp lý, hệ thống xét xử trực tuyến không chỉ giúp giảm bớt thủ tục rườm rà mà còn đưa pháp luật đến gần hơn với cuộc sống người dân. Khi người dân có thể tra cứu thông tin pháp luật bằng vài cú click, khi doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh qua mạng, khi người vi phạm giao thông có thể nộp phạt trực tuyến, thì khoảng cách giữa pháp luật và đời sống được thu hẹp, niềm tin vào hệ thống công quyền được củng cố.
Hướng tới kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, niềm tin và kỳ vọng của cử tri cả nước đang gửi gắm vào những quyết sách lớn. Đây là lúc Quốc hội cần thể hiện vai trò tiên phong trong thực hiện Nghị quyết 66, không chỉ ban hành các đạo luật chất lượng, khả thi, minh bạch, mà còn đẩy mạnh giám sát tối cao, bảo đảm luật pháp được thực thi công bằng, hiệu quả. Đây cũng là dịp để khẳng định tầm quan trọng của việc lắng nghe người dân, đưa tiếng nói của nhân dân vào nghị trường, để mọi chính sách, pháp luật thực sự "hợp lòng dân, vì hạnh phúc của nhân dân".
Nhìn ra thế giới, những quốc gia đi đầu trong phát triển bền vững đều hiểu rằng pháp luật không chỉ để "quản" mà để "kiến tạo", không chỉ để "răn đe" mà để "truyền cảm hứng", không chỉ để "trừng phạt" mà để "khích lệ" những hành vi đẹp, lối sống tử tế, sáng tạo. Việt Nam, trên hành trình vươn ra biển lớn, cũng đang dần tiến tới mô hình đó: một xã hội nơi pháp luật đi vào đời sống một cách tự nhiên, nơi công dân không phải sợ hãi pháp luật mà tự hào vì sống trong khuôn khổ pháp luật, nơi nghệ sĩ, vận động viên, doanh nhân, nông dân, học sinh đều trở thành những đại sứ lan tỏa văn hóa pháp quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa". Trong bối cảnh hôm nay, có thể nói: muốn xây dựng một Việt Nam hùng cường, trước hết cần có những con người thượng tôn pháp luật. Bởi chỉ khi mỗi người tự ý thức được trách nhiệm pháp lý của mình, mỗi tổ chức hành xử dựa trên nền tảng pháp luật, mỗi chính sách được soạn thảo với tinh thần phục vụ nhân dân, thì chúng ta mới thực sự đi trên con đường phát triển bền vững, nhân văn.
Những ngày này, khi nhìn dòng người hòa mình vào các lễ hội, khi thấy sân cỏ rộn vang tiếng hò reo, khi bắt gặp những hàng dài xếp hàng trật tự chờ mua vé xem bóng đá, hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật, lòng người bỗng dâng lên một niềm hy vọng: văn hóa pháp quyền không phải là khái niệm xa vời. Nó đang hiện diện ngay trong những khoảnh khắc đời thường, trong nụ cười hài lòng của người dân khi làm xong thủ tục hành chính mà không cần phong bì, trong ánh mắt tự hào của cầu thủ khi giành chiến thắng trong tinh thần fair-play, trong những dòng comment kêu gọi bình tĩnh, tôn trọng pháp luật trên mạng xã hội.
Đó chính là dấu hiệu của một Việt Nam mới - một Việt Nam biết dựa vào luật pháp để vươn tới tự do, sáng tạo, thịnh vượng. Và kỳ họp Quốc hội sắp tới, với những quyết sách mang tính mở đường, có thể trở thành cột mốc quan trọng để hành trình xây dựng văn hóa pháp quyền của chúng ta bước sang một chương mới, mạnh mẽ, tự tin, đầy khát vọng.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn