36 tay vợt hạt giống bị loại chỉ sau hai vòng đấu tại Wimbledon, phá kỷ lục con số 35 từng bị loại cùng giai đoạn tại Roland Garros 2020.
Những ngày qua, Wimbledon đã chứng kiến con số kỷ lục những tay vợt hàng đầu bị loại sớm. Tiêu biểu trong số đó là hạt giống số ba nội dung đơn nam là Alexander Zverev và nhà vô địch Roland Garros đơn nữ 2025 là Coco Gauff.
Tám trong số các cây vợt nằm trong top 10 hạt giống (cả đơn nam và nữ) bị loại ngay từ vòng 1 Wimbledon, và đây là con số cao nhất tại bất cứ giải Grand Slam nào kể từ khi Kỷ nguyên Mở bắt đầu vào năm 1968.
Chỉ có một trong số năm cây vợt nữ hạt giống hàng đầu - Aryna Sabalenka, tay vợt số 1 thế giới - lọt vào vòng 3. Trước đây, điều này chỉ xảy ra duy nhất một lần trong Kỷ nguyên Mở.
Bốn trong số 10 tay vợt hạt giống nam đã bị loại ngay từ vòng một của một giải Grand Slam lần thứ ba trong 25 năm qua. Vậy đâu là lý do đằng sau những con số kỷ lục này?
Điều kiện thi đấu bất thường
Các cây vợt phải thi đấu trong điều kiện thời tiết oi bức khi Wimbledon ghi nhận kỷ lục ngày khai mạc nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ lên tới 30 độ C vào thứ Hai và thứ Ba.
Những vận động viên đã được cung cấp túi chườm đá và khăn lạnh cũng như nước để có thể thích nghi tốt hơn với nhiệt độ tại đây. Tuy vậy, vẫn có nhiều tay vợt cảm thấy khó khăn khi phải thi đấu trong điều kiện này. Cây vợt chủ nhà Cameron Norrie đã nói rằng thời tiết ở đây "khiến cơ thể anh bị sốc nhiệt".

Tay vợt nữ số hai thế giới Coco Gauff là tay vợt có thứ hạng cao nhất thua cuộc tại Wimbledon năm nay
Ngoài ra, tác động của nhiệt độ lên mặt sân cỏ và sự ảnh hưởng đến độ nảy của bóng cũng khiến một số tay vợt cảm thấy khó chịu.
Hạt giống đơn nam số 27 người Canada là Denis Shapovalov, người bị loại ngay từ vòng 1, đã nói rằng: "Bóng được dùng tại giải thì tệ, hệ thống các giải sân cỏ thì như trò hề. Đây không phải sân cỏ nữa, vì bóng nảy trên mặt sân còn chậm hơn cả sân đất nện."
Mặt sân có độ nảy chậm giúp các tay vợt có thêm thời gian căn chỉnh trước khi đánh bóng, và điều này có thể dẫn đến những loạt rally dài hơn nhưng cũng hao mòn thể lực các tay vợt hơn.
Tuy vậy, người quản lý sân tại Wimbledon là Neil Stubley lại nói rằng đúng là nhiệt độ có ảnh hưởng tới độ nảy của bóng bởi vì cỏ khô hơn sẽ bám bóng nhiều hơn, nhưng ông cũng cho rằng nói rằng những lời chỉ trích về độ nảy của bóng là không công bằng.
Bóng 'nặng và chậm'
Tay vợt nữ số một nước Anh là Emma Raducanu đã nói về vấn đề này sau trận thắng trước cựu vương Marketa Vondrousova: "Bạn sẽ thấy khác biệt khi sử dụng bóng Slazenger (loại bóng được sử dụng tại Wimbledon), nhưng chỉ sau vài tình huống rally, bóng đã bắt đầu xù lông lên, trở nên nặng và chậm. Tôi nghĩ các tay vợt có lối đánh mạnh sẽ thích điều này bởi họ sẽ có nhiều thời gian để lấy đà và dồn lực vào cú đánh."
Ban tổ chức Wimbledon nói rằng họ không hề thay đổi gì về loại bóng được sử dụng kể từ năm 1995, và bóng đáng lẽ ra phải nhẹ và nhanh hơn vào những ngày nóng và khô. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì các tay vợt bày tỏ.
Mùa giải sân cỏ ngắn
Mùa sân cỏ chỉ kéo dài 50 ngày, bắt đầu từ trước khi Roland Garros kết thúc vào đầu tháng 6 và kết thúc với Wimbledon vào ngày 13 tháng 7.
Trước khi Wimbledon khởi tranh, Gauff mới chỉ thi đấu trên mặt sân cỏ đúng một giải đấu là Berlin Open. Thậm chí, cô còn bị loại ngay ở vòng 1. Bởi vậy, tay vợt nữ này không có nhiều cơ hội để làm quen với mặt sân cỏ.

Số lượng các tay vợt hạt giống bị loại sau hai vòng đầu tiên Wimbledon qua các năm
Ngôi sao hạt giống số 2 người Mỹ đã chia sẻ: "Tôi nghĩ Wimbledon là giải Grand Slam dễ gây ra bất ngờ nhất bởi các tay vợt có ít thời gian làm quen với mặt sân từ đất nện sang sân cỏ."
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Wimbledon là ông Jamie Baker lại nói với BBC Sport: "Tất nhiên là các tay vợt có ít thời gian thi đấu trên sân cỏ hơn các mặt sân khác, nhưng tôi nghĩ đây không phải vấn đề. Tôi cho rằng các tay vợt đang chơi quá nhiều trận đấu trong một năm."
Sự quá tải của các tay vợt
Lịch thi đấu dày đặc là vấn đề đã được quan tâm từ lâu bởi các tay vợt hàng đầu. Ngôi sao quần vợt số 1 Na Uy là Casper Ruud mới gần đây đã chỉ trích hệ thống tính điểm xếp hạng của ATP. Trong khi đó, tay vợt xếp hạng 9 thế giới người Úc Alex de Minaur thì nói anh bị loại sớm khỏi Roland Garros là bởi "kiệt sức".

Các giải Grand Slam với nhiều tay vợt hạt giống bị loại sau hai vòng nhất
Sau khi bị loại tại vòng 2 Wimbledon, cây vợt hạt giống số 4 nữ người Ý là Jasmine Paolini nói cô cần nghỉ ngơi về mặt tinh thần: "Tôi cảm thấy hơi mệt. Hai tháng gần đây thật căng thẳng đối với tôi ."
Cũng với chủ đề này, Raducanu chia sẻ: "Đây là một môn thể thao rất thử thách về mặt tinh thần. Tôi luôn cố gắng tận hưởng khoảng thời gian thi đấu, gặp những người tốt và cải thiện bản thân mỗi ngày. Nhưng, thật khó để không nghĩ về áp lực phải duy trì điểm số trên bảng xếp hạng." Cô đã mô tả cảm xúc khi chơi tennis chuyên nghiệp như là 'tàu lượn siêu tốc', ám chỉ về sự thăng trầm bất thường trong phong độ và niềm vui khi thi đấu xảy ra bởi áp lực.
Cây vợt người Đức Alexander Zverev, sau thất bại năm set trước Arthur Rinderknech, tay vợt hạng 72 thế giới, đã trở thành người có thứ hạng ATP cao nhất bị loại ở nội dung đơn nam tính đến thời điểm này. Anh cũng bày tỏ về vấn đề này, cho rằng bản thân đang bị mắc kẹt trong khủng hoảng tâm lý sau khi thua trận chung kết Australian Open trước Jannik Sinner vào tháng 1 vừa qua.
Hiệu ứng 'domino' có thể xảy ra?
Liệu viễn cảnh các tay vợt hàng đầu bị loại sớm có khiến những người đồng nghiệp cảm thấy lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra với mình, hay những cây vợt xếp hạng thấp hơn sẽ thấy đây là cơ hội để vào sâu hơn tại những giải đấu lớn?
Tay vợt nữ hạt giống số 6 người Mỹ chia sẻ về khoảnh khắc sau chiến thắng tại vòng 1: "Tôi nghĩ nếu bạn thấy các tay vợt xếp trên bạn lần lượt bị loại, bạn sẽ cảm thấy áp lực khi thấy tình hình có vẻ căng thẳng. Tôi đã suýt thua tại vòng đầu tiên, vậy nên tôi cảm giác như mình vừa né được một viên đạn vậy."

Hàng loạt các tay vợt hạt giống hàng đầu bị loại
Đồng hương của cô, Frances Tiafoe, cây vợt nam hạt giống số 12, đã phải nhận thất bại trước Cameron Norrie tại vòng 2, thì phát biểu: "Có những tay vợt không được xếp loại hạt giống và những cây vợt trẻ đang chơi hay. Bởi vậy, nếu bạn không sẵn sàng, kể cả bạn nằm trong nhóm hạt giống, bạn sẽ thua."
Cựu tay vợt người Mỹ Tracy Austin và cựu ngôi sao số 1 thế giới Jo Durie đã đề cập rằng ở thời điểm hiện tại, với sự cạnh tranh ngày càng cao, những tay vợt xếp hạng thấp hoàn toàn có thể tạo nên được bất ngờ trước những người xếp trên mình nhiều bậc.
Ai sẽ hưởng lợi từ điều này?
Tại nội dung đơn nữ, trong nhánh đấu có Paolini và tay vợt nữ hạt giống số 5 Zheng Qinwen, sau khi hai cái tên này đều bị loại, cây vợt Amanda Anisimova có lẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất.
Trước bán kết, hạt giống số 13 sẽ không phải gặp bất cứ tay vợt nào xếp hạng cao hơn Linda Noskova, hạt giống số 30 của giải. Nếu vào đến vòng đấu này, cô có thể phải gặp cây vợt số 1 thế giới là Sabalenka. Ngoài ra, cựu số 1 thế giới Naomi Osaka, người từng giành 4 danh hiệu Grand Slam, cũng nằm trong nhánh của Anisimova.
Tại nội dung đơn nam, Karen Khachanov có thể đi tới tứ kết mà không phải gặp các tay vợt xếp loại hạt giống khác, khi mà Zverev, hạt giống số 9 Medvedev, số 16 Cerundolo và cựu á quân Berrettini, đều đã bị loại.
Norrie cũng có thể vào đến tứ kết mà không đụng độ bất cứ tay vợt hạt giống nào, và Joao Fonseca hay Nicolas Jarry có thể sẽ đối đầu với anh tại vòng 4. Nhưng trước tiên, tay vợt người Anh sẽ phải vượt qua Mattia Bellucci.
Từ năm 2002 cho tới 2019, cách phân loại hạt giống của Wimbledon đơn nam được quyết định dựa trên phong độ trên mặt sân cỏ của các tay vợt. Sau khoảng thời gian này, giải đấu mới tính điểm theo bảng xếp hạng thế giới.
Với tình hình hiện tại, đã có người đặt ra vấn đề mang cách thức tính điểm cũ này quay trở lại. Một trong số đó là cựu số 5 thế giới Durie: "Tôi nghĩ chúng ta nên cân nhắc làm điều này bởi thi đấu trên mặt sân cỏ khó hơn so với khi đánh trên các loại hình sân khác. Đây là thời điểm phù hợp để làm điều này."
Tags