Thể loại sách tranh ngày càng tạo được sự chú ý trên thị trường sách thiếu nhi, với sự kết hợp giữa văn bản và tranh vẽ để mở ra không gian tương tác giàu cảm xúc cho trẻ nhỏ - nơi hình ảnh và ngôn từ cùng nhau dẫn dắt sự tưởng tượng.
Tại Việt Nam, đã có những tác giả lựa chọn gắn bó với sách tranh bằng tinh thần tiên phong, dành nhiều tâm huyết để phát triển dòng sách này một cách bài bản, nghiêm túc. Trong số đó, Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (Hũ) - người sáng lập thương hiệu sách tranh Slowbooks - là một gương mặt đáng chú ý.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Quỳnh Hương.

Tác giả Nguyễn Hữu Quỳnh Hương (Hũ)
"Định nghĩa lại" sách tranh
* Vì sao chị lại chọn thể loại sách tranh để theo đuổi?
- Tôi chọn sách tranh trước hết vì đó là thể loại tôi thích, và đã nghiên cứu trong nhiều năm nay. Khi mình thích và thực sự đào sâu vào một điều gì đó, thì tự nhiên sẽ muốn làm nó.
Ngoài ra, thể loại sách tranh thật ra ở Việt Nam vẫn chưa có sự hiểu chung, kể cả trong giới làm sách. Nhiều đơn vị xuất bản, phát hành lớn cũng chưa hiểu một cách rõ ràng khi thực hành nó, đặc biệt là khi làm việc với các tác giả Việt Nam. Điều đó khiến tôi càng có mong muốn được thử sức, được góp phần "định nghĩa" lại thể loại này một cách nghiêm túc hơn.

Tác giả Quỳnh Hương (ngoài cùng bên phải) giới thiệu sách tranh tới các em thiếu nhi
* Vậy chị có thể nói gì về đặc trưng của sách tranh so với các thể loại sách khác?
- Sách tranh trong tiếng Anh được gọi là "picture book", "picture-book" hoặc "picturebook". Tuy nhiên "picturebook" là cách gọi phản ánh đúng bản chất của tác phẩm nghệ thuật rất đặc biệt này, với sự kết hợp hình ảnh và từ ngữ để tạo nên ý nghĩa. Và vì thế, sách tranh ngay từ tên gọi đến quá trình sáng tác nên là "thành quả" của sự kết hợp.
Cách gọi "sách tranh" hiện nay trở nên phổ biến trong khoảng 15 năm đổ lại đây ở Việt Nam. Trước đó, nhiều NXB ở nước ta dịch là "tranh truyện". Nhưng cần nhấn mạnh, nó hoàn toàn khác "truyện tranh" (comic) lẫn sách minh họa (illustrated book).
Cụ thể, đều sử dụng hình ảnh để kể chuyện, nhưng sách tranh và truyện tranh khác nhau về cách thức thể hiện và vai trò của hình ảnh. Sách tranh có nội dung văn học và được minh họa bằng những tranh vẽ có nội dung, thậm chí là những tác phẩm hội họa thực thụ. Còn truyện tranh lại có hình vẽ và văn bản xen kẽ để thể hiện hành động và diễn tiến của nhân vật cùng câu chuyện. Trong khi đó sách minh họa (illustrated book) là dạng sách chương hồi (tiểu thuyết, truyện ngắn, tuyển tập thơ), hình minh họa có vai trò tường minh ngôn ngữ hoặc mở rộng góc nhìn, không tham gia vào việc quyết định nội dung của văn bản.

* Và vị trí của sách tranh nên được nhìn nhận như thế nào?
- Sách tranh là một tác phẩm nghệ thuật cần sự đồng hành và phối hợp cao giữa các chủ thể sáng tạo. Nó có yêu cầu nghệ thuật cao nên cũng mang hiệu quả giáo dục.
Mỗi cuốn sách tranh được làm chỉn chu sẽ có rất nhiều chất liệu để cả trẻ em và người lớn có thể đọc đi đọc lại. Và mỗi lần đọc lại như vậy, chúng ta sẽ phát hiện thêm một chi tiết mới, một cảm xúc mới, có khi vỡ òa vì một điều nhỏ mà trước đó bỏ quên.
Ngoài ra, trong bối cảnh phát triển của các ngành công nghiệp hình ảnh và thị giác như hiện nay, việc tiếp cận trẻ em bằng sách tranh hoặc những cuốn sách có minh họa là một cách rất hiệu quả. Sách, nếu muốn tồn tại trong đời sống của các em, sẽ không thể chỉ là những văn bản chữ thông thường.
"Hiện tại, vẫn còn tình trạng đồng nhất giữa sách tranh và những thể loại chưa thực sự là sách tranh theo đúng nghĩa"- Quỳnh Hương.
Để tự tin bước ra thế giới
* Phải chăng, chính vì nhìn thấy những giá trị mà sách tranh mang lại, nên từ cuối năm 2022, chị đã sáng lập thương hiệu Slowbooks, với định hướng trở thành một đơn vị chuyên nghiên cứu và phát hành sách tranh thiếu nhi chất lượng cao tại Việt Nam?
- Với tôi, sách tranh là kết tinh của sự kết hợp chặt chẽ. Một cuốn sách tranh tốt không thể làm ra nếu tác giả, họa sĩ và biên tập viên không làm việc gần gũi với nhau. Trong khi đó, quy trình xuất bản hiện tại ở Việt Nam thường là NXB mua bản thảo của tác giả rồi tự liên hệ họa sĩ, hoặc làm việc riêng lẻ với từng người. Khi tác giả và họa sĩ không thực sự được cùng nhau đồng hành, mà chỉ làm việc gián tiếp qua biên tập viên, ý tưởng cuối cùng của cuốn sách thường chịu ảnh hưởng từ phía đơn vị xuất bản, hoặc từ thị hiếu thị trường.

Đội ngũ của Slowbooks giới thiệu sách tranh tại Chiang Mai (Thái Lan)
Trước đây, khi còn cộng tác với nhiều đơn vị xuất bản, tôi nhận ra rằng vẫn chưa có nơi nào thực sự theo đuổi mô hình làm việc gắn bó giữa tác giả và họa sĩ theo cách tôi mong muốn. Đó là một trong những lý do đầu tiên thôi thúc tôi mở Slowbooks.
Nhìn rộng ra, ngành xuất bản thiếu nhi và cả xuất bản nói chung, hiện vẫn chủ yếu xoay quanh các đơn vị lớn. Trong bối cảnh văn hóa đọc chưa thật sự mạnh, những nhà xuất bản và phát hành có hệ thống phân phối rộng thường nắm vai trò dẫn dắt. Điều đó khiến những dự án sách mang tính nghệ thuật cao nhưng khó bán sẽ gặp nhiều khó khăn để đến được với bạn đọc.
Cuối năm 2022, tôi bắt đầu có nhu cầu làm công việc này toàn thời gian. Tôi muốn được phát triển như một tác giả chuyên tâm, được làm việc trong một môi trường nơi các cộng sự cùng nghiên cứu sâu về sách, chứ không chỉ đơn thuần là "làm một cuốn rồi thôi".
Ở thời điểm đó, với giới hạn hiểu biết của mình, cộng với sự khao khát dành trọn tâm huyết cho công việc, tôi thấy rằng nếu không ai hỗ trợ được cho mình, thì bản thân phải chủ động tạo ra một đơn vị có thể làm điều đó. Đó là lý do lớn nhất khiến tôi sáng lập Slowbooks.
* Từ khi thành lập đến nay, Slowbooks đã đạt được những kết quả nổi bật gì? Các đầu sách của thương hiệu (phối hợp với các NXB thực hiện) đã được độc giả đón nhận ra sao?
- Có một điều thật sự trân quý, đó là việc chúng tôi đã tạo ra được một đơn vị mà khi các tác giả Việt Nam có thể nghĩ đến và tin tưởng khi họ đặt ra cái đích: "Tôi muốn làm sách tranh, và tôi thật sự muốn có một người đồng hành để cùng mình nghiên cứu, làm ra một cuốn sách tranh thật chỉn chu".
Còn về số lượng đầu sách đã làm ra, về giải thưởng, hay việc vươn mình ra thế giới, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Chúng tôi không vội vàng coi đó là thành tựu. Với tôi, việc được làm nghề đúng cách, được tạo ra một quy trình làm sách nghiêm túc và đồng hành sâu sắc với các cộng sự, đã là một hành trình đáng giá.

Một số đầu sách tranh do Slowbooks phối hợp với các NXB thực hiện
Còn phản hồi của độc giả thường rẽ theo 2 hướng khá rõ rệt. Với một nhóm độc giả vốn đã yêu sách tranh quốc tế, hoặc từng tìm đọc sách tranh tiếng Anh, họ thường chia sẻ rằng, cuối cùng cũng đến ngày có một đơn vị ở Việt Nam làm sách tranh một cách chỉn chu, có chiều sâu và hiểu đúng về thể loại này.
Nhưng với một tệp độc giả đại chúng hơn, những người chưa thực sự hiểu về sách tranh, hoặc tiếp cận sách chủ yếu để dạy con kiến thức, bổ sung kỹ năng, sự hoài nghi là điều không tránh khỏi. Tôi thường nhận được những câu hỏi như: "Sao sách lại ít chữ vậy?", hoặc "Sao sách đắt thế này?". Những câu hỏi ấy đến rất thường xuyên.
Tôi nghĩ, đó là thách thức chung của bất kỳ đơn vị nhỏ nào đang làm một thứ vừa "ngách", vừa mới - nhất là khi mình không chỉ làm sản phẩm, mà còn phải thuyết phục thị trường về giá trị và tinh thần của thể loại mình đang theo đuổi.
Nhưng cũng vì thế, tôi càng biết ơn những độc giả đã đồng hành với Slowbooks từ những ngày đầu. Họ là các phụ huynh, là nhà trường, là các đối tác đã hiểu và ủng hộ chúng tôi. Nhờ họ, chúng tôi có thể tiếp tục đi con đường này, và tin rằng sách tranh chất lượng do người Việt Nam làm, thật sự có thể tạo ra những chuyển động tích cực trong văn hóa đọc.
* Nói rộng hơn, chị đánh giá tiềm năng phát triển của dòng sách tranh tại Việt Nam trong tương lai?
- Tôi nghĩ thể loại này đang ngày càng phát triển. Hiện nay, có nhiều tác giả, họa sĩ cũng như các đơn vị xuất bản bắt đầu tham gia sâu hơn vào quá trình làm sách tranh. Những cuốn sách được đầu tư hơn, không chỉ về hình thức, mà cả về tư duy và chiều sâu trong sáng tạo. Người làm sách đang đặt nhiều suy tư hơn vào mỗi dự án, và điều đó là tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ cần đến những chiến dịch truyền thông, thậm chí là giáo dục để giúp công chúng có được sự hiểu biết rõ ràng và đầy đủ hơn về thể loại sách tranh. Hiện tại, vẫn còn tình trạng đồng nhất giữa sách tranh và các dạng sách có minh họa khác - những thể loại chưa thực sự là sách tranh theo đúng nghĩa.
Khi tất cả chúng ta, từ người sáng tác, người làm sách, đến độc giả có được sự hiểu chung này, sách tranh do người Việt Nam sáng tạo mới thực sự có cơ hội bước ra thế giới một cách tự tin và dễ dàng.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Về tác giả Quỳnh Hương (Hũ)
Nguyễn Hữu Quỳnh Hương, sinh năm 1997, là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc lĩnh vực sách tranh thiếu nhi Việt Nam hiện nay. Năm 2023, chị là đồng tác giả cuốn Hít hà mùi đất nước (cùng họa sĩ Trúc Nhi Hoàng), đoạt Giải B, Giải thưởng Sách Quốc gia.
Riêng trong năm 2024, chị đã cho ra mắt 5 đầu sách tranh mới: Chầm chậm như nước; Slow Flow, Dạo bước với thời gian; Dáng hình của đêm; Xuân mời mặt đất nở hoa. Các tác phẩm không chỉ phát hành tại Việt Nam mà còn được giới thiệu tại nhiều sự kiện quốc tế ở Thái Lan và Hàn Quốc.
Tags