Những “diễn viên” thầm lặng, thổi hồn vào hoạt hình Việt Nam

Thứ Sáu, 18/07/2025 06:24 GMT+7

Google News

Tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 3 (DANAFF III) vừa qua, khi cái tên Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu của Alpha Animation Studio vang lên cùng Giải Đặc biệt từ Ban Giám khảo, cả khán phòng đã dành những tràng pháo tay nồng nhiệt. 

Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau thành công ấy là rất nhiều gương mặt thầm lặng, những họa sĩ diễn hoạt (animator), những người tạo chuyển động cho từng bước chân, cái chau mày, cái phẩy tay của nhân vật.

Khác với suy nghĩ phổ biến rằng làm phim hoạt hình chỉ cần vẽ đẹp, thực tế, đây là một quá trình sản xuất phức tạp với nhiều khâu chuyên biệt. Trong đó, công việc của animator hay họa sĩ diễn hoạt được ví như những diễn viên sân khấu, nhưng không phải diễn trực tiếp bằng cơ thể mà “diễn” thông qua những nhân vật hoạt hình.

"Diễn viên giấu mặt" của hoạt hình

Khi được hỏi yếu tố nào quan trọng nhất trong một bộ phim hoạt hình, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng của Trạng Quỳnh Nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu cho biết, đây là một câu hỏi khó.

“Điện ảnh vốn là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật, từ văn học, nhiếp ảnh, sân khấu cho đến âm nhạc… Mỗi khâu đều quan trọng và góp phần kể nên câu chuyện” - anh chia sẻ - “Nhưng nếu xét riêng trong hoạt hình, theo quan điểm cá nhân tôi, phần diễn hoạt chính là trái tim của bộ phim. Bởi lẽ, nhân vật hoạt hình vốn chỉ là những hình ảnh tĩnh, vô hồn. Chính animator là người mang đến cho chúng sự sống, bằng chuyển động, biểu cảm, nhịp điệu và cảm xúc”.   

Những “diễn viên” thầm lặng, thổi hồn vào hoạt hình Việt Nam - Ảnh 1.

Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng (trái) và họa sĩ diễn hoạt Lan Anh

Các hoạ sĩ diễn hoạt là những “diễn viên giấu mặt”. Họ không đứng trước máy quay, nhưng vẫn phải thể hiện được mọi cung bậc cảm xúc cũng như tâm lý nhân vật, từ ánh mắt lo âu, một cú ngẩng đầu kiêu hãnh, đến điệu bộ ngập ngừng của một đứa trẻ.

Trong Trạng Quỳnh Nhí, Alpha Animation Studio đã xây dựng những đại cảnh với cả trăm nhân vật, ví dụ như cảnh một lễ hội làng. Những lớp nhân vật xa, phụ, thậm chí rất nhỏ vẫn cần được thiết kế chuyển động.

“Với lớp nhân vật thứ cấp, chúng tôi phải dùng cả kỹ thuật lập trình để tạo nên những hành vi lặp lại như đi lại, gật đầu, nghiêng mình… Nhưng càng đến gần nhân vật chính, đòi hỏi về biểu cảm và tính cách càng cao. Kể cả một ông lão bán bánh, một bà cụ ngồi chợ cũng cần có “chất” riêng để tạo nên sự sống động cho bức tranh chung” - đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cho biết.

Học diễn xuất... không cần đứng trên sân khấu

Trong phim người đóng, đạo diễn có thể tuyển chọn diễn viên phù hợp với hình dung về nhân vật. Nhưng với phim hoạt hình, không có ai đứng ra “diễn” giúp bạn cả. Chính các animator là người phải nhập vai, không chỉ một, mà đôi khi là năm, bảy nhân vật cùng lúc. 

Vì thế, để trở thành một animator chuyên nghiệp, cần hội tụ ba năng lực cốt lõi. 

Thứ nhất, là khả năng hiểu và thể hiện diễn xuất. Đây là nền tảng, giống như bất kỳ diễn viên nào. Nhưng hoạt hình là ngôn ngữ của sự cường điệu, cảm xúc cần rõ nét và cường điệu hơn, từ nụ cười rạng rỡ đến cái nhíu mày tức tối, tất cả đều phải thể hiện mạnh mẽ hơn để truyền tải qua mô hình nhân vật 3D. 

Thứ hai là thành thạo công nghệ. Animator là người làm việc với phần mềm chuyên dụng, với nhiều công cụ khác nhau, từ dựng hình, tạo khung xương, đến điều khiển chuyển động. Đây là công việc nặng về kỹ thuật không kém gì một kỹ sư IT. 

Thứ ba, animator còn cần có tư duy đạo diễn. Khi làm một phân cảnh, bạn không chỉ điều khiển nhân vật mà còn phải hiểu được tinh thần của cảnh đó, góc quay, cảm xúc… để phối hợp nhịp nhàng với tổng thể. Có thể nói, mỗi animator vừa là một diễn viên, vừa là một đạo diễn của chính phân đoạn mình phụ trách

Những “diễn viên” thầm lặng, thổi hồn vào hoạt hình Việt Nam - Ảnh 2.

Chị Lan Anh - Trưởng nhóm diễn hoạt của Alpha Animation Studio

“Tôi từng làm họa sĩ diễn xuất trước khi làm đạo diễn và hoạ sĩ chính, nên tôi hiểu rất rõ vai trò của diễn hoạt trong phim hoạt hình. Đó là linh hồn của bộ phim. Và cũng là phần thể hiện rõ nhất trình độ, sự tinh tế và bản sắc của người làm nghề” - đạo diễn Trịnh Lâm Tùng nói thêm.

Dù phần lớn công việc của animator diễn ra trên phần mềm, nhưng điều cốt lõi không nằm ở những cú nhấp chuột mà ở khả năng quan sát và cảm thụ. “Chúng tôi không chỉ tạo ra chuyển động. Chúng tôi kể chuyện bằng cảm xúc” - chị Lan Anh - Trưởng nhóm diễn hoạt của Alpha Animation Studio - khẳng định.

Theo chị, kỹ năng quan sát và thấu cảm là yếu tố quan trọng bậc nhất trong nghề, “không chỉ đơn thuần quan sát sao chép mà là để hiểu, để cảm và từ đó thể hiện được cảm xúc nhân vật một cách tinh tế và chân thật. Cậu Trâu là nhân vật được đội ngũ diễn hoạt của Alpha Animation Studio đặc biệt yêu thích. “Chúng tôi xây dựng cậu Trâu như một thú cưng, rất ngây thơ và chân thành. Khi vui thì ngoáy đuôi, liếm mặt; sợ hãi thì giấu mặt trong đống rơm nhưng cái mông thì vẫn chổng ra ngoài” - chị Lan Anh nói thêm.

Mỗi hoạ sĩ diễn hoạt luôn đặt mình vào vị trí của nhân vật, cần hiểu tâm lý nhân vật ở từng hoàn cảnh, rồi chuyển hóa cảm xúc ấy thành chuyển động cơ thể, ánh mắt, nhịp thở, tất cả phải có sự sống. “Trong từng phân cảnh, chúng tôi luôn luôn đặt câu hỏi như nếu mình là Quỳnh, là bé Muối, mình sẽ có cảm xúc như thế nào, sẽ hành động như thế nào… Chúng tôi không chỉ dựa vào kỹ thuật mà luôn bắt đầu từ cảm xúc, từ trái tim của mỗi nhân vật. Và điều khó nhất không phải là làm cho nhân vật chuyển động, mà là làm cho người xem tin rằng cảm xúc đó là thật”.

Nhờ sự tinh tế ấy, từng ánh mắt, động tác của nhân vật trong Trạng Quỳnh Nhí mới có thể chạm đến người xem, để khán giả bật cười, nghẹn ngào hay lặng đi vì xúc động. Không có những hoạ sĩ diễn hoạt, thế giới hoạt hình sẽ chỉ là những hình ảnh đẹp nhưng vô hồn.

Animator - những người thắp lửa cho trí tưởng tượng 

“Khi khán giả xem phim, họ thường nhớ đến đạo diễn, còn phần lớn ê-kíp phía sau thì rất thầm lặng, không riêng gì nhóm diễn hoạt. Nhưng mình không buồn. Khi đi xem Trạng Quỳnh Nhí ở rạp, nghe cả phòng vé cười ồ vì một cảnh hoạt hình mình dựng. Chỉ những điều đó đã đủ khiến chúng tôi hạnh phúc và cảm thấy xứng đáng” - chị Lan Anh tâm sự.

Ở Việt Nam, nghề diễn hoạt vẫn còn khá mới mẻ với số đông. Suốt nhiều năm qua, các animator Việt Nam chủ yếu tham gia sản xuất cho thị trường quốc tế, nên khán giả trong nước cũng hiếm khi biết đến họ.

Sự xuất hiện của những bộ phim như Trạng Quỳnh Nhí, với sự đầu tư nghiêm túc cả về nội dung và hình ảnh, đang góp phần thay đổi điều đó. Những Animator giờ đây có cơ hội được “diễn” cho chính khán giả trong nước, những người sẽ cảm, hiểu và trân trọng hơn nỗ lực sáng tạo từ đội ngũ làm nghề.  

Những “diễn viên” thầm lặng, thổi hồn vào hoạt hình Việt Nam - Ảnh 3.

Một cảnh trong phim “Trạng Quỳnh Nhí - Truyền thuyết Kim Ngưu”

Giải Đặc biệt tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2025 vừa qua là một cột mốc. Nó không chỉ là sự ghi nhận nỗ lực, mà còn như một lời nhắn nhủ gửi tới các nhà làm phim trong nước: hãy tiếp tục kể những câu chuyện Việt Nam bằng hình ảnh Việt Nam, để những đứa trẻ Việt Nam có thể lớn lên cùng những nhân vật hoạt hình mang đậm hồn cốt dân tộc.

Còn với nghề diễn hoạt, đó vẫn sẽ là một hành trình âm thầm nhưng bền bỉ, nơi các Animator không đứng trên sân khấu, không lộ diện trước máy quay, nhưng lại là người thắp lửa cho trí tưởng tượng, để mỗi nhân vật trên màn ảnh biết thở, biết cười, biết sống và chạm vào trái tim người xem.

“Chúng tôi không chỉ dựa vào kỹ thuật mà luôn bắt đầu từ cảm xúc, từ trái tim của mỗi nhân vật. Và điều khó nhất không phải là làm cho nhân vật chuyển động, mà là làm cho người xem tin rằng cảm xúc đó là thật” - họa sĩ diễn hoạt Lan Anh

An Hạ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›